Ước tính, điện chiếu sáng thông thường chiếm khoảng 20% điện lượng tiêu thụ của mỗi nước. Hiện nay, kỹ thuật chiếu sáng mới bằng đèn LED vừa tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vừa diễn ra tại Canh-cun (Mê-xi-cô),một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, các loại đèn LED có ưu điểm tiết kiệm năng lượng từ 20% đến 50% và có tuổi thọ cao gấp mười lần so với những loại bóng đèn sợi đốt cùng công suất. Liên hợp quốc kêu gọi các nước trên thế giới đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra khá phức tạp.
Xu hướng sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang là do những ưu điểm như tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ cao, kích cỡ nhỏ, gọn. Thế giới ngày càng ưa chuộng sử dụng đèn LED trong chiếu sáng gia đình với nhiều ứng dụng như đèn bàn, đèn trang trí treo tường... Đèn LED có khá nhiều màu sắc như đỏ, xanh lá, xanh da trời, hổ phách... đáp ứng sự đa dạng nhu cầu chiếu sáng. Ngoài ra, đèn LED dùng trang trí bên ngoài nhà với mầu sắc rực rỡ hơn, ít tốn điện hơn và đặc biệt là không nóng. Công nghệ đèn LED phát triển nhanh chóng, với các công ty điện tử nổi tiếng sở hữu các công nghệ sáng chế đèn LED như Philips, Osram, Siemens...
Hiện nay, một nửa số đèn chiếu sáng bán ra trên các thị trường thế giới vẫn là loại đèn sợi đốt không tiết kiệm năng lượng. Vì thế, theo tính toán, nếu các quốc gia trên thế giới thay thế bóng đèn sợi đốt bằng các loại bóng đèn compact tiết kiệm năng lượng, nhu cầu điện chiếu sáng của thế giới sẽ giảm 2%/năm so với hiện nay, có nghĩa là giảm được 800 triệu tấn khí thải CO2.
Tại các nước châu Âu, các loại đèn hậu, đèn xi nhan của phần lớn xe ô-tô dùng đèn LED sẽ tiết kiệm xăng và đặc biệt rất hiếm khi phải thay đèn. Trên thực tế, ngay từ năm 2009, hệ thống các cửa hàng và siêu thị tại các nước châu Âu đã không được phép bán bóng đèn sợi đốt có công suất 100 oát. Tuy nhiên, theo quy định của ủy ban châu Âu, bóng sợi đốt có công suất thấp hơn 100 oát vẫn được phép sử dụng trong vài năm nữa, sau đó bóng sợi đốt sẽ bị cấm hoàn toàn. EU cho rằng, đây là giải pháp giúp giảm lượng khí thải CO2, đối phó với biến đổi khí hậu. Dự đoán rằng, tiền điện của mỗi gia đình ở châu Âu sẽ giảm 166 ơ-rô/năm nếu không sử dụng bóng sợi đốt. Ngoài ra, tuổi thọ của những bóng mới cũng cao gấp 8-15 lần so với bóng sợi đốt. Ngoài các nước thuộc EU, hiện nay, Ca-na-đa, Cu-ba, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Phi-li-pin đã cấm hoàn toàn việc sử dụng bóng đèn sợi đốt. Cùng với các nước này, nhiều nước tiên tiến cũng đang đẩy mạnh kế hoạch chiếu sáng bằng LED và hy vọng đến năm 2025, hơn 50% đèn chiếu sáng là LED.
In-đô-xê-xi-a ước tính, sử dụng hoàn toàn đèn LED thay thế bóng đèn sợi đốt có thể tiết kiệm khoảng một tỷ đô-la/năm và mỗi năm có thể cắt giảm tám triệu tấn CO2 thải vào khí quyển. Các chuyên gia của Liên hợp quốc cũng khuyến khích các quốc gia lựa chọn những giải pháp như cấm sử dụng bóng đèn sợi đốt, đánh thuế sản xuất bóng đèn sợi đốt, hỗ trợ giá đèn LED... để hướng người dân sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng, trong đó có đèn LED, nhưng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng nước.
Công nghệ sản xuất đèn LED được cải tiến với sự ra đời của OLED, loại đèn LED có chứa các-bon này tiêu thụ điện năng ít hơn loại đèn LED đang phổ biến hiện nay. OLED đang phát triển một nguồn sáng mới, sử dụng trong ti-vi và màn hình điện thoại của các hãng tên tuổi lớn như Siemens, Philips...
Theo Nhân Dân