
Các loại biển quảng cáo dùng bạt hiflex
Bạt hiflex là loại vật liệu có cấu tạo từ lớp nhựa PVC kết hợp sợi Polyester dạng lưới, nổi bật bởi độ dẻo dai, chống thấm nước và khả năng bám mực tốt trên bề mặt trắng. Nhờ giá thành hợp lý và dễ thi công, bạt hiflex được lựa chọn rộng rãi trong các dạng biển quảng cáo ngoài trời. Dưới đây là hai kiểu biển có dùng loại chất liệu này phổ biến nhất hiện nay:
1. Biển bạt căng khung sắt
Dạng biển này thường được tạo nên từ bộ khung sắt hộp chắc chắn, đóng vai trò như phần chịu lực chính. Sau khi hoàn thiện khung, bạt hiflex được kéo căng đều và cố định trực tiếp lên mặt khung, phần viền thường được gia cố bằng vít để đảm bảo độ chắc chắn. Sau khi hoàn thiện biển, có thể lắp thêm đèn rọi bên ngoài để chiếu sáng biển quảng cáo vào buổi tối.
Hình thức thi công này thường áp dụng cho các biển quảng cáo lớn (pano, billboard) hoặc biển hiệu cửa hàng bình dân.
2. Biển bạt hộp đèn
Hộp đèn hiflex cũng có phần khung sắt hộp làm nền, tuy nhiên cấu trúc được thiết kế theo dạng hộp rỗng bên trong để lắp đèn tuýp LED. Mặt sau và hai bên được ốp bằng tôn hoặc tấm alu. Phần mặt chính phía trước được căng bạt hiflex xuyên sáng giúp ánh sáng đèn hắt đều ra bên ngoài, tạo hiệu ứng nổi bật vào buổi tối khi hộp đèn phát sáng. Đây là lựa chọn phổ biến cho biển hiệu chính hoặc biển vẫy quảng cáo của cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhược điểm của biển quảng cáo bạt
- Nhanh bạc màu
Biển quảng cáo bằng bạt hiện nay thể hiện tốc độ phai màu đáng ngạc nhiên. Nếu như vào khoảng năm 2005, bạt hiflex in bằng mực solvent có thể giữ được màu sắc ổn định lên tới 1,5 năm, thì ở giai đoạn 2024-2025 tình trạng phai màu xảy ra rất nhanh, chỉ sau khoảng 6 tháng khi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, đặc biệt ở những nơi có hướng nắng mạnh.
Tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời chính là nguyên nhân khiến mực in bị phá hủy, làm màu sắc trên các biển quảng cáo ngoài trời dần phai nhạt và mờ đi rõ rệt. Nhiều loại mực in giá rẻ, nguồn gốc Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cao nên các đơn vị thi công khó có thể cam kết giữ màu lâu dài.
Bên cạnh hiện tượng phai màu, biển bạt còn dễ xuất hiện những vệt trắng kéo dài trên bề mặt bạt sau một thời gian sử dụng.

- Độ bền thấp
Biển quảng cáo bằng bạt thường chịu tác động xấu của các yếu tố thời tiết như mưa, nắng và gió mạnh, khiến bạt dễ rạn nứt hoặc rách và phai màu như trên.

- Không sang trọng:
Trừ loại biển bạt billboard, pano to lớn, các loại biển bạt nhỏ so với các loại khác như biển quảng cáo mica, inox, alu hoặc biển LED, biển bạt trông kém thẩm mỹ hơn và không tạo được sự sang trọng, chuyên nghiệp. Thêm vào đó, khi dùng đèn chiếu từ bên trong hộp đèn hiflex, màu sắc sẽ bị nhạt đi, phần màu đen cũng bị bạc, gây giảm sức hút của bảng hiệu.
Cách in và sử dụng biển bạt để không bị bạc màu
Khi in biển quảng cáo bạt, hiện tượng bạc màu sau thời gian sử dụng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, lựa chọn bạt in chất lượng cao cùng công nghệ in tiên tiến giúp giảm thiểu đáng kể hiện tượng này. Một số yếu tố ảnh hưởng lớn gồm: chất liệu bạt, phương pháp in và điều kiện bảo quản.
1. Chất liệu bạt
Đối với các biển bạt chỉ được bảo hành trong khoảng từ 1 đến 6 tháng, nhiều nhà cung cấp chọn loại bạt có chất lượng trung bình, thiết kế cho sử dụng ngắn hạn. Thành phần chính của bạt gồm nhựa PVC kết hợp với bột đá, nhưng tỷ lệ nhựa PVC bị giảm đi đáng kể để tăng hàm lượng bột đá. Điều này khiến bạt in dễ bị giòn, rách, các lớp bạt có thể bị tách ra, đồng thời mực in biển quảng cáo có thể bị mờ hoặc chảy vệt trắng.
Ngược lại, biển bạt với thời gian bảo hành kéo dài từ 6, 12 hoặc 18 tháng, sẽ được công ty thi công biển quảng cáo chọn loại bạt có tỷ lệ nhựa PVC cao hơn nhiều, chỉ pha trộn một lượng nhỏ bột đá. Tỉ lệ nhựa nhiều sẽ khiến mực in (mực dầu) có chứa dung môi thẩm thấu sâu hơn vào bề mặt bạt, làm cho lớp mực trên biển quảng cáo giữ được độ bền màu lâu dài hơn.
2. Công nghệ in
In biển quảng cáo bạt hiflex thường được áp dụng công nghệ in với mực Solvent hoặc Eco-Solvent, còn gọi là mực dầu. Ngày xưa loại mực in này có mùi khá nặng gây khó chịu cho thợ in, nhưng màu sắc giữ được tầm 1-2 năm trước khi bắt đầu phai. Qua thời gian, chất lượng mực dầu giảm sút đáng kể, đặc biệt là dòng mực Eco-Solvent, màu bắt đầu nhạt chỉ sau khoảng 6 tháng, thậm chí có thể bị bjac ngay từ tháng thứ 3 khi tiếp xúc nhiều với nắng gắt hoặc mưa nhiều. Có thể do các tiêu chuẩn an toàn với sức khỏe người thợ in đã được cải thiện dẫn đến độ bền màu giảm đi.
Ngoài ra, công nghệ in UV trên bạt cũng được ứng dụng phổ biến, với ưu điểm giữ màu lâu dài, có thể lên đến 4 năm dưới điều kiện ngoài trời nhờ khả năng tương thích cao với tia UV. Đây là giải pháp in biển quảng cáo đang được đánh giá cao về độ bền màu.
3. Cách sử dụng và bảo quản
Như đã nói ở trên, lựa chọn công nghệ in UV kết hợp cùng loại bạt không gân sẽ giúp bảng hiệu bền màu vượt trội. Dù giá thành ban đầu của phương án này cao hơn so với in bạt thường, nhưng nếu xét về thời gian sử dụng dài hạn, đây lại là lựa chọn kinh tế hơn vì không cần thay mới thường xuyên.
Bên cạnh đó, ánh nắng gay gắt là nguyên nhân khiến biển quảng cáo bạt hiflex nhanh xuống màu, tác động lớn hơn nhiều so với mưa. Nếu vị trí lắp đặt bảng hiệu quay về hướng Bắc hoặc Nam, hoặc khu vực có nhiều tòa nhà, cây cối che phủ thì có thể cân nhắc chọn biển quảng cáo bạt thường. Trong trường hợp mặt tiền cửa hàng phơi nắng trực tiếp trong thời gian dài, tốt hơn hết nên cân nhắc bạt không gân in UV hoặc thay sang chất liệu khác như biển alu chữ nổi để tránh hiện tượng bạc màu.
Tóm lại, vnới ngân sách khiêm tốn hoặc hoạt động kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, các cửa hàng như quán ăn hay tạp hóa có thể cân nhắc lựa chọn in biển quảng cáo bằng chất liệu bạt hiflex. Nếu mặt tiền cửa hàng nằm ở khu vực có mái che hoặc không chịu tác động trực tiếp từ ánh nắng, vẫn có thể tiếp tục dùng biển bạt thông thường để tối ưu chi phí mà vẫn đáp ứng đủ yêu cầu về mặt hình ảnh. Trong trường hợp cần một bảng hiệu chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn muốn giữ chi phí hợp lý, có thể chuyển sang in biển quảng cáo bằng bạt không gân kết hợp công nghệ in UV.